Nếu hỏi người Hàn Quốc thành phố nào có truyền thống được bảo tồn tốt nhất, sẽ không ít người trả lời là Jeonju thuộc tỉnh Jeonbuk. Và quả như thế, thành phố đặc biệt có nhiều nhà
hanok - công trình kiến trúc gỗ đặc trưng của Hàn Quốc chính là Jeonju. Thế nhưng Jeonju không phải là một thành phố chỉ biết ngủ yên với truyền thống trong quá khứ. Đây là một thành phố pha trộn hài hòa các nền văn hóa và sự đổi mới đa dạng trên quá khứ được bảo tồn trọn vẹn, cũng như món cơm trộn
bibimbap.
ⓒ Shutterstock
Một trong những nơi xứng đáng chọn là điểm khởi đầu cho chuyến du ngoạn làng Hanok Jeonju chính là Omokdae (Ngô mộc đài). Đó là ngôi đình nằm trên đỉnh bằng phẳng của một ngọn đồi thấp. Có thể nói, đây là nơi đẹp nhất và duy nhất để ngắm nhìn toàn cảnh làng Hanok Jeonju. Có đến hơn 700 ngôi nhà hanok quy tụ thành một quần thể trong khoảng diện tích gần 300.000m2. Đây chính là lý do Jeonju được kể đến như một ngôi làng hanok truyền thống quy mô lớn nhất Hàn Quốc. Những mái ngói đan xen san sát khiến ta cảm nhận như thể một làn sóng màu xanh thẫm đang đánh vào bờ.
SỰ KHỞI ĐẦU CỦA TRIỀU ĐẠI JOSEON
Omokdae không chỉ được sử dụng như một đài quan sát. Bên trong có treo nhiều tấm bảng hiệu và trong số đó, có một bí mật được giấu trong “Daepungga” (tạm dịch “Đại phong ca – Bài ca gió lớn”).
Đại phong khởi hề vân phi dương
Uy gia hải nội hề quy cố hương
An đắc mãnh sĩ hề thủ tứ phương!
Tạm dịch:
Gió lớn vừa nổi lên, mây bay tỏa ra
Giũ bỏ hết uy phong khắp thiên hạ trở về cố hương
Làm sao tìm được dũng sĩ để gìn giữ thiên hạ!
Nhân vật chính của “Daepungga” tại Omokdae là Taejo Yi Seong-gye (Thái Tổ Lý Thành Quế, trị vì 1392-1398), người sáng lập triều đại Joseon vào năm 1392. Tương truyền, nhà vua đã ghé qua Jeonju nơi đây trên đường về kinh thành sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm khi còn là thời kỳ cuối triều đại Goryeo. Đây là lý do người ta đánh giá rằng Yi Seong-gye đã đến Omokdae Jeonju và cho thấy dấu hiệu sẽ lật đổ triều đại cũ và thành lập một triều đại mới. Nói cách khác, điểm khởi đầu của triều đại Joseon chính là Jeonju.
Làng Hanok Jeonju và làng Hanok Bukchon ở Seoul cùng là những khu vực bảo tồn nhà hanok. Từ Omokdae nhìn xuống làng hanok sẽ thấy những mái ngói san sát như thể những đợt sóng xanh thẫm đang xô đến.
Mối liên hệ giữa triều đại Joseon và Jeonju không chỉ có Omokdae. Ở cuối phía nam của làng hanok là Gyeonggijeon (Khánh Cơ điện). “Gyeonggi” ở đây có nghĩa là “mảnh đất có điều lành”, ngụ ý “nơi triều đại Joseon bắt đầu”. Nói cách khác, ngay sau khi thành lập triều đại Joseon, vua Taejong Yi Bang-won (Thái Tông Lý Phương Viễn, trị vì 1400-1418), con trai của Yi Seong-gye, đã xây dựng các ngôi nhà thờ tranh chân dung của cha mình ở các thành phố lớn như Pyeongyang (Bình Nhưỡng), Kaesong (Khai Thành), Gyeongju (Khánh Châu), Yeongheung (Vĩnh Hưng)... cũng như Jeonju, quê hương của gia đình họ Yi (Lý) Jeonju. Trong số đó, ngôi nhà được xây dựng ở Jeonju chính là Gyeonggijeon.
Những người dân mặc hanbok đi dạo thăm quan Gyeonggijeon. Gyeonggijeon có nghĩa là mảnh đất (jeon) có những điều lành (gyeonggi), giữ vai trò là nơi kỷ niệm giúp ta xác định gốc rễ của vương triều Joseon.
Không gian được chia thành ba khu vực chính. Khu vực trung tâm của Gyeonggijeon - Jeongjeon (Chính điện) là nơi thờ tranh chân dung của Taejo. Hiện tại, tranh chân dung trong Jeongjeon là bản sao, và bản gốc được lưu trữ trong Bảo tàng Tranh chân dung vua phía sau Jeongjeon. Jogyeongmyo (Triệu Khanh miếu) ở phía bắc của Jeongjeon được xây dựng để thờ bài vị ông bà Yi Han (Lý Hàn), tổ tiên dòng họ mà Taejo là đời thứ 22. Ở giữa có một kho sách là tòa nhà được xây dựng để lưu trữ biên niên sử của triều đại Joseon (Triều Tiên vương triều thực lục) ghi chép lịch sử hàng ngày của 472 năm kể từ khi triều đại Joseon thành lập. Đây là ghi chép lịch sử dài nhất thế giới về một triều đại và là trường hợp duy nhất trên thế giới mà bản gốc vẫn còn nguyên, đồng thời cũng là quốc bảo của Hàn Quốc và di sản ghi chép thế giới được UNESCO công nhận.
Thoạt nhìn, kho sách trông giống như một không gian bi tráng, thế nhưng ta có thể thấy được sự dí dỏm của người xưa thể hiện ở Hamabi (Hạ mã bia) và deumeu (từ thuần Hàn, cũng được phiên âm là “đầu mao”). Hamabi là một tấm bia được dựng lên có nghĩa “Tất cả mọi người “hạ mã” (xuống ngựa) bắt đầu từ điểm này, bất kể địa vị cao thấp để đi ngang qua.” Tấm bia này được đặt ở phía trước cổng chính của Gyeonggijeon, hai con sư tử hoặc kỳ lân đỡ tấm bia ở bên dưới toát lên sự hài hước độc đáo của các tác phẩm điêu khắc đá thời Joseon hơn là sự tôn nghiêm. Sáu deumeu trong sân chính điện là bể nước dùng để chứa nước chống hỏa hoạn. Trong đó thể hiện mong muốn con quỷ hỏa hoạn (hỏa ma) nếu có đến gần tòa nhà thì vì sợ hãi bởi sự gớm ghiếc của chính nó phản chiếu trên mặt nước mà sẽ bỏ chạy.
Hamabi có khắc câu yêu cầu bất cứ ai cũng phải xuống ngựa.
Không chỉ có vậy, cổng Pungnammun (Phong Nam môn) - công trình duy nhất còn sót lại của tỉnh Jeonju trong số các công trình kiến trúc Jeolla Gamyeong (Toàn La giám doanh), Jeonjubuseong (Toàn Châu phủ thành) - cơ quan hành chính quản lý Jeonbuk, Jeonnam cùng đảo Jeju trong suốt triều đại Joseon gần 500 năm, là di sản văn hóa tượng trưng cho lịch sử, truyền thống và vị thế của Jeonju cùng với Omokdae, Gyeonggijeon và làng nhà cổ Hanok.
DẤU VẾT GIAO LƯU HÒA TAN TRONG TRUYỀN THỐNG
Ở Jeonju không phải chỉ còn lại những thứ của quá khứ hàng trăm năm trước. Không thiếu bằng chứng của sự thay đổi trên nền của sự bao dung.
Ngay đối diện Gyeonggijeon là một tòa nhà trông khá khác biệt đứng sừng sững. Đó là Nhà thờ Jeondong. Nhà thờ được xây tại nơi có những người tử vì đạo đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên và hoàn thành vào năm 1914. Tuy nhiên, những người thợ chính xây dựng tòa nhà này không phải là người Joseon hay Hàn Quốc. Theo sách “Lịch sử 100 năm Nhà thờ Jeondong”, năm thợ mộc Trung Quốc và hơn 100 thợ điêu khắc đá đã dựng một lò nung và đúc 650.000 viên gạch để xây dựng nhà thờ. Được biết, người cai quản họ là Gang Ui-gwan, ông điều hành công ty kiến trúc tên là Ssangheungho và đã xây dựng nhiều tòa nhà Công giáo. Khi nhắc đến Jeonju, chúng ta thường nghĩ đến các từ khóa “triều đại Joseon” và “truyền thống”, nhưng khi tìm hiểu chúng ta cũng thấy dấu vết của sự giao lưu lâu đời ẩn chứa tại đây.
Nhà thờ Jeondong được xây dựng xong vào năm 1914 là công trình kiến trúc theo lối Romanesque nổi bật, có quy mô lớn và thiết kế đẹp xuất sắc trong các nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu.
Nói về Jeonju, ta không thể bỏ qua giao lưu với Trung Quốc. Người Trung Quốc bắt đầu sinh sống ổn định ở Jeonju cách đây 125 năm. Năm 1899, cảng Gunsan (cách Jeonju khoảng 50km) mở cửa, những người lao động được gọi là “Coolie” (tên gọi chung cho những người lao động nhập cư gốc Á, thường là Trung Quốc và Ấn Độ, không có công việc ổn định – chú thích của người dịch) và các thương nhân bắt đầu tìm đến. Việc họ chú ý tới Jeonju, một thành phố ở vị thế cao hơn Gunsan về nhiều mặt như thương mại, văn hóa và hành chính là một điều đương nhiên. Dần dần, ngày càng có nhiều người an cư ở đó, và họ đã xây dựng một cộng đồng Hoa kiều tập trung quanh con phố Trung Quốc Daga-dong.
Vào thời đó, cũng có một số Hoa kiều làm nghề vận chuyển hoặc nghề nông, nhưng được biết có tới 60% người Hoa kinh doanh nghề ăn uống và buôn bán lụa là. Dòng người Hoa kiều du nhập vào thành phố lâu đời này đã có tác động mạnh mẽ, đặc biệt đến ngành công nghiệp ăn uống. Các món ăn chưa từng có gọi là “ẩm thực Trung Hoa” bắt đầu được giới thiệu đến bán đảo Triều Tiên.
Ẩm thực Trung Hoa có đặc điểm được bản địa hóa với các nguyên liệu thực phẩm của vùng đất mới, nhanh chóng quyến rũ khẩu vị của người dân địa phương và bước vào con đường đại chúng hóa. Hiện tại món jjajangmyeon (mì tương đen) - đại diện của ẩm thực Trung Hoa tại Hàn Quốc – là ví dụ điển hình và chỉ có chunjang (xuân tương) là nước xốt đến từ Trung Quốc. Hoa kiều ở Jeonju một lần nữa đã mang lại một cuộc cách mạng cho món jjajangmyeon. Họ đã biến tấu thành một món ăn mới có tên là mul-jjajang (“mul” có nghĩa là “nước” – chú thích của người dịch).
Trong mul-jjajang hoàn toàn không có tương chunjang. Đó là bởi vì người ta đã dùng nước tương là gia vị chính thay cho chunjang dành cho các vị khách Hàn Quốc ngại món mì jjajang nhiều dầu mỡ. Tinh bột được cho vào nước tương để chế biến thành nước sốt đặc rồi đem rưới lên trên hải sản luộc và mì làm từ bột mì. Đó chính là giây phút ẩm thực Trung Hoa theo phong cách Hàn Quốc mới ra đời, hoàn toàn khác với jjajangmyeon ban đầu và gần giống món mì hải sản.
Món mul-jjajang không dừng lại sau khi tạo nên tiếng vang. Món này lại được phân thành hai loại vị thuần và vị cay mà người Hàn Quốc vốn yêu thích, và nhanh chóng lan tỏa sang các thành phố lân cận như Gunsan, Iksan, Wanju-gun. Ở Jeonju, nhà hàng Jinmi Banjeom của ông Ryu Yeong-baek - một Hoa kiều và cũng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa kiều Jeonju, và nhà hàng Daebojang cũng tự hào có lịch sử lâu đời đều được công nhận là những nhà hàng kế thừa danh tiếng của món mul-jjajang.
Trên thực tế, dòng người Hoa kiều nhập cư vào Hàn Quốc đã giúp cho văn hóa ẩm thực của không chỉ Jeonju mà còn trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên tiến thêm một bước. Nhiều nguyên liệu thực phẩm đã được đưa vào bán đảo Triều Tiên thông qua những Hoa kiều, ví dụ như món miến trong các món như thịt nướng bulgogi, súp sườn bò galbitang, miến trộn japchae và thậm chí cả món dồi sundae. Sự kết hợp giữa nguyên liệu và cách chế biến của Hàn Quốc đã dẫn đến sự bùng nổ của văn hóa ẩm thực.
Về mặt đó, giờ đây có lẽ việc nhất định phải phân biệt Hoa kiều và Jeonju, hoặc Hoa kiều và Hàn Quốc không còn ý nghĩa lớn nữa. Bởi vì trong văn hóa, không có trên dưới và cũng không có của tôi hay của bạn. Bất cứ nền văn minh nào trong quá trình tiếp nhận và sáp nhập các nền văn minh khác ở nhiều góc độ cũng chỉ bổ sung những yếu điểm cũng như phát huy tối đa thế mạnh của mình mà thôi. Jeonju là một vùng đất hào phóng đón nhận những cuộc giao lưu như vậy, và kết quả của những cuộc giao lưu đó chính là Jeonju.
MÓN CƠM TRỘN BIBIMBAP JEONJU RA ĐỜI SAU SỰ ĐỔI MỚI
Không có gì là điều hiển nhiên kể từ khi khai thiên lập địa. Món cơm trộn bibimbap cũng vậy. Trong đó có người cho rằng cơm bibimbap Jeonju với sắc màu, vị cao cấp và hương vị bùi thơm số một có nguồn gốc từ món ăn cung đình, nhưng điều này không đúng. Bibimbap Jeonju được yêu mến đến mức như thế là nhờ những nỗ lực đổi mới không mệt mỏi.
Món cơm trộn bibimbap vốn là đặc sản của Jeonju đã trở thành món ăn đại diện cho không chỉ Jeonju mà còn cả Hàn Quốc. Có hơn 30 loại bibimbap khác nhau một chút tùy theo mùa.
Hiện tại, nhà hàng bibimbap Jeonju lâu đời nhất ở Jeonju là Han Kook Jib, mở cửa vào năm 1951. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nghe nói rằng nhà hàng lấy tên là Hankook Tteokjip bán tteok (bánh gạo) và các loại mứt jeonggwa (món ăn làm từ các loại hoa quả, gừng, củ sen, sâm... sên đường hoặc mật ong – chú thích của người dịch) chứ không phải là bibimbap. Sau đó, họ bắt đầu bán tteokguk (súp bánh gạo) trong thực đơn bữa ăn để tăng giá trị gia tăng. Vấn đề là vào thời điểm đó, tteokguk được xem là món ăn chủ yếu chỉ ăn vào mùa đông. Và lúc đó, ý tưởng về món ăn có thể bán được suốt bốn mùa nảy ra chính là baengbaengdori.
Baengbaengdori là một từ dùng để chỉ bibimbap ở vùng Jeonju, đó là tên gọi thể hiện theo lối ẩn dụ hình ảnh dùng thìa hoặc muôi đánh xoay theo vòng tròn để trộn cơm. Thời đó, nghe kể lại ở chợ người ta bán theo cách cho đủ loại rau vào một bát lớn, trộn tất cả lên cùng một lúc và xẻ ra từng phần một theo đơn đặt hàng của khách. Cố học giả Cho Byung-hee (1910-2003), người rất thông thạo lịch sử của Jeonju, đã viết như sau về baengbaengdori tại phần “Chợ Nambak những năm 1920”, trong quyển sách “Jeonju Pungmulgi” (Toàn Châu phong vật ký) được Trung tâm Văn hóa Jeonju xuất bản vào năm 1988: “Khi bạn ghé nhà hàng sẽ chứng kiến người nhân viên tráng kiện một tay đỡ bát đồng khổng lồ và trộn cơm bằng hai chiếc thìa và còn hát ngân nga khi hứng chí lên. Tài nghệ tung hứng chiếc bát đang xoay tròn lên không trung rồi sau đó dùng tay bắt lại và tiếp tục trộn quả là cảnh tượng chỉ có thể thấy được ở chợ Nambak mà thôi”.
Nambakjang là từ chỉ khu chợ bên ngoài cổng phía nam, tức là Pungnammun của Jeonju Buseong, bây giờ gọi là chợ Nammun Jeonju. Ban ngày chợ vốn đã ấn tượng, thế nhưng chợ đêm mở cửa mỗi ngày cũng được gọi là thánh địa của khách du lịch. Tóm lại, việc thể hiện món baengbaengdori thành món ăn cao cấp gồm các loại rau như giá đỗ tương, rau dương xỉ, bí ngòi, nấm đông cô cùng với các loại rau theo mùa như hài nhi cúc, nấm súp lơ và thịt bò sống bày lên trên chính là nhà hàng Han Kook Jib.
Hiện tại, không chỉ có Han Kook Jib là nhà hàng bibimbap ở Jeonju. Nhà hàng Ha Suk-yeong Gamasot Bibimbap (trước đây là Jungang Hoegwan) với món bibimbap được làm từ các thành phần dinh dưỡng như bạch quả, hạt dẻ, táo tàu trong nồi đá và nhà hàng Seongmidang với món bibimbap có cơm được xào sơ trước... cũng được yêu thích. Kể từ khi Han Kook Jib xây dựng hình ảnh cao cấp cho món bibimbap vào đầu những năm 1950, rất nhiều các nhà hàng bibimbap đã tiếp tục tạo ra các biến thể và đổi mới của riêng họ, và nơi bắt đầu hình thành “ngõ hẻm bibimbap” vào những năm 1960-1970 chính là Jeonju. Không biết có phải vì vậy mà giờ đây, ngõ hẻm từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với người dân Jeonju cũng như hầu hết tất cả du khách đến thăm Jeonju. Thậm chí, kể từ năm 2007, Lễ hội Bibimbap Jeonju cũng được tổ chức cứ mỗi khi mùa thu đến.
Liên hoan phim quốc tế Jeonju lần thứ 25 được tổ chức ở khắp nơi tại Jeonju, bao gồm Phố Điện ảnh vào tháng 5 vừa qua. Đã có 232 bộ phim đến từ 43 quốc gia được chiếu trong 10 ngày.
NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI NGOÀI NHỮNG PHONG CẢNH SẴN CÓ
Đến Jeonju, ta có thể chứng kiến được cả ngày hôm qua và hôm nay của Hàn Quốc. Ta có thể gặp gỡ từ nền tảng của triều đại Joseon được giữ vững trải qua bao mâu thuẫn trong gần 500 năm, lịch sử nuôi dưỡng một nền văn hóa phong phú thông qua giao lưu con người và vật chất, cho đến cơ sở của xã hội Hàn Quốc đã phát triển dựa trên truyền thống nhưng không một phút giây ngủ yên mà liên tục lặp lại quá trình thay đổi trên những thay đổi và đổi mới trên những đổi mới.
Nguyên do Jeonju được chỉ định là “Slow City quốc tế” (tạm dịch “Thành phố sống chậm”) đầu tiên trên thế giới trong số các thành phố lớn với dân số hơn 500.000 người vào năm 2010, và là thành phố thứ tư trên thế giới được chọn là “Thành phố Sáng tạo Ẩm thực UNESCO” vào năm 2012 cũng chính là ở đây. Nói cách khác, Jeonju là một điểm đến du lịch nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải “kế thừa” lịch sử và truyền thống một cách tiến bộ dựa tinh thần đón nhận cởi mở, thay vì chỉ đơn giản là “làm theo”.